Từ ngày 14/7, Grab (Singapore) bắt đầu triển khai dịch vụ mới cho phép người dùng đặt xe hybrid (xe “lai” xăng và điện) hoặc xe điện với giá cước tương đương với tùy chọn đặt xe thông thường. Đây được coi là một trong những sáng kiến mới nhất của hãng này nhằm thúc đẩy giải pháp thân thiện với môi trường.
Trong báo cáo ESG công bố tháng trước, đại diện Grab cho biết đang hướng tới “một tương lai không khí thải carbon”, thông qua nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm dịch vụ xe điện, cũng như các chương trình trồng rừng. Dù không nêu cụ thể mục tiêu, Grab khẳng định sẽ triển khai dựa trên cơ sở khoa học và một lộ trình rõ ràng vào năm tới.
“Với định hướng trở thành công ty đại chúng, chúng tôi đang bám sát các cam kết về mức độ minh bạch và trách nhiệm phát triển bền vững”
Giám đốc điều hành Grab Anthony Tan và đồng sáng lập Tan Hooi Ling cho biết
Hãng gọi xe công nghệ Gojek (Indonesia) cũng là thành một trong những startup tiên phong ở Đông Nam Á tuyên bố mục tiêu ESG vào cuối tháng 4. Nền tảng gọi xe “cam kết loại bỏ khí thải carbon vào năm 2030”, thông qua việc chuyển đổi phương tiện vận hành sang xe điện.
“Khi Gojek tiếp tục phát triển về quy mô và sức mạnh, với hàng triệu người phụ thuộc vào nền tảng, chúng tôi có trách nhiệm vận hành một cách bền vững.”
Andre Soelistyo, Giám đốc điều hành của GoTo (Công ty hiện đang điều hành Gojek) cho hay
Môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social and Governance – ESG) là một thuật ngữ và khái niệm được đề xuất lần đầu vào tháng 6 năm 2004, bởi UN Global Compact (Hiệp ước Toàn cầu Liên Hợp Quốc) nhằm tập trung những nhà đầu tư và phân tích trong việc nghiên cứu tính hữu hình và tương tác giữa các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị. Trong đại dịch Covid-19, tính bền vững của các doanh nghiệp, trong đó có các công ty khởi nghiệp ngày càng được quan tâm hơn.